Sự nghiệp sau này Valentina Vladimirovna Tereshkova

Sau chuyến bay, bà theo học tại Học viện Hàng không Zhukovsky, và tốt nghiệp với tấm bằng kĩ sư hàng không vũ trụ vào năm 1969. Cùng năm, nhóm nữ phi hành gia vũ trụ giải tán. Năm 1977 bà nhận học vị tiến sĩ.

Bà cũng tham gia chính trị: từ năm 1966 đến năm 1974, bà là thành viên của Xô viết tối cao, từ 1974 đến 1989 trong Đoàn chủ tịch của Xô viết tối cao, từ 1969 tới 1991, bà nằm trong Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1997 bà nghỉ hưu trong lực lượng không quân và nhóm phi hành gia vũ trụ theo quyết định của tổng thống.

Đôi vợ chồng nhà du hành vũ trụ Andrian Grigoryevich Nikolayev và Valentina Vladimirovna Tereshkova tại lễ thành hôn

Sau chuyến bay Vostok 6, một câu chuyện đùa được truyền bá là bà sẽ kết hôn với Andrian Grigoryevich Nikolayev do ông là phi hành gia duy nhất độc thân ở thời điểm đó. Có nhiều tin đồn khác nhau về đám cưới này, ví dụ dưới áp lực của Khrushchyov, các nhà nghiên cứu y học muốn họ phải tiến hành các thí nghiệm về quan hệ tình dục trên vũ trụ[1]. Nikolayev và Tereshkova kết hôn ngày 3 tháng 11 năm 1963 tại Cung điện Đám cưới Moscow. Đích thân Khrushchyov làm chủ hôn, cùng với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo nhà nước và chương trình vũ trụ.

Hai người có một con gái là Elena Andrianovna (hiện nay là bác sĩ và là người đầu tiên có cả cha và mẹ từng bay vào vũ trụ), sinh năm 1964. Bà và Nikolayev li dị năm 1982, mặc dù cuộc hôn nhân của họ đã đổ vỡ trước đó khá lâu. Chồng thứ hai của bà, Yuli Shaposhnikov, mất năm 1999.

Valentina Tershkova và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev trong ngày Hàng không vũ trụ 12-4-2011

Valentina Tereshkova sau đó trở thành một thành viên chủ chốt trong chính phủ Xô viết và là một hình ảnh đại diện nổi tiếng của Liên Xô với nước ngoài. Bà là thành viên của Tổ chức Hoà bình thế giới năm 1966, thành viên của Xô viết tỉnh Yaroslavl năm 1967, thành viên của Xô viết liên bang thuộc Xô viết tối cao các nhiệm kì 1966-1970 và 1970-1974, và trúng cử vào Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao năm 1974. Bà cũng là đại biểu của Liên Xô tại hội nghị của Liên hiệp quốc trong Năm phụ nữ quốc tế tổ chức tại Mexico City năm 1975. Bà nắm giữ các cương vị quan trọng trong Xô viết tối cao, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó chủ tịch Hiệp hội phụ nữ dân chủ quốc tế và Chủ tịch Tổ chức hữu nghị Liên Xô - Algérie.

Bà nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu có giá trị như: Anh hùng Liên Xô - danh hiệu cao nhất của Liên Xô, Huân chương Lenin, Huân chương Cách mạng tháng Mười, nhiều huân chương khác, các danh hiệu của nước ngoài như Huy chương vàng Hoà bình của Liên hợp quốc, Giải thưởng Quốc tế Simba vì sự tiến bộ phụ nữ. Bà cũng được các nước Tiệp Khắc, Việt Nam, Mông Cổ trao tặng các danh hiệu Anh hùng lao động của nước mình. Một núi lửa ở phần khuất của Mặt Trăng mang tên Tereshkova.

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Tereshkova không còn tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng bà vẫn giữ được uy tín vốn có của mình. Cho đến nay, bà vẫn được mọi người kính trọng với danh hiệu nữ anh hùng Nga, và vai trò của bà trong lịch sử ngành vũ trụ của Nga, chỉ sau Yuri GagarinAlexei Leonov. Từ khi từ giã chính trường, bà ít xuất hiện hơn trong các sự kiện liên quan đến vũ trụ.